
Khang Hỷ
Chương 1: Cô Út nhà phú hộ Quyền
Gia Nghi năm nay 8 tuổi. Con bé đã đọc viết và làm toán cơ bản một cách thành thạo. Ông bà phú hộ Trần vẫn đang cân nhắc việc cho con bé theo học trường Tây. Họ chỉ có một cô con gái duy nhất này nên rất là yêu thương, cưng chiều.
Trần gia nhiều đời làm quan từ thời xưa, đến hiện nay cũng có vài vị giữ các chức sắc có tiếng trong chính quyền mới. Tuy nhiên, ông Quyền lại chọn cuộc sống an nhàn, xa rời quyền lực, ông an phận làm một phú hộ bình thường, hằng ngày chăm coi chuyện buôn thóc bán lúa. Vợ của ông cũng cùng ý kiến với chồng, hai người tập trung làm ăn và cứu trợ dân nghèo.
Chính vì thế mà dù không có quyền lực trong tay nhưng ông Quyền rất được lòng bà con trong vùng và cả những nơi mà ông đến cứu trợ. Quan cai các vùng từ nhỏ đến lớn mà nghe danh ông cũng kính nể vài phần. Người trong tộc cũng rất coi trọng tiếng nói của ông, họ thường ghé nhà ông xin lời khuyên hoặc bàn bạc kế sách trọng đại.
Ông Quyền có tổng cộng 5 người con, 4 người đầu là con trai, ai nấy cũng thông minh, sáng dạ, học hành thi cử đều đỗ đạt cao, và người con gái út chính là Gia Nghi. Cô sinh ra vào những ngày xuân rực rỡ, khí trời mát dịu, hanh thông, muôn hoa khoe sắc tươi thắm. Thầy xem tử vi trong tộc cũng hết lời khen ngợi bát tự của Gia Nghi, được xem là vượng gia đạo, vượng phu tử.
Từ khi cô chào đời thì trong gia đình lẫn dòng tộc đều có những việc may mắn xảy ra. Các anh trai thì công thành danh toại, thóc lúa được mùa, mối buôn tìm đến không ngớt. Trong tộc thì người được thăng tiến, người được tiền tài, người sinh được quý tử.
Chính vì vậy mà Gia Nghi được xem là bảo bối của gia đình. Cô không chỉ được cha má và các anh thương yêu, mà cả những người họ hàng cũng rất mến cô. Tính cách của cô cũng rất ngoan, gương mặt ưa nhìn, hoạt bát, lanh lợi. Mỗi lần thấy cô cười là ai nhìn cũng thấy vui theo. Gia Nghi mang theo một năng lượng rất tươi vui, hệt như đất trời mùa xuân ấm áp, tràn đầy sức sống.
Tuy nhiên, ông Quyền vẫn giữ quan điểm dạy con từ thuở còn thơ. Ngoài mặt, ông vẫn rất nghiêm khắc. Lễ nghĩa gia giáo nhất định không bỏ sót điều nào, làm tốt thì được thưởng, làm sai thì chịu phạt, không có nhân từ mà bao che. Do đó, Gia Nghi từ nhỏ được rèn giũa, như ngọc càng mài càng sáng, khí chất cũng được hình thành tiêu chuẩn cốt cách mỹ nhân. Dù chỉ mới lên 8 nhưng cô không thiếu không sai một quy tắc nào từ đi đứng, nói cười, tiếp chuyện với người lớn hay nói chuyện cùng các bạn đồng trang lứa.
Khách nào đến nhà ông Quyền cũng mong một lần được gặp Gia Nghi, như thể được cô chạm vào là sẽ được nhận may mắn, vui vẻ từ cô. Nhưng tất nhiên, họ không thể sỗ sàng mà đòi gặp con bé ngay, thường thì sẽ gửi quà cáp rồi viện cớ này cớ nọ sao cho hợp tình hợp lý mà vẫn phải tự nhiên thoải mái.
“Ông xem, năm nay quà tặng của nhà mình lại nhiều hơn rồi.” Bà Yến vừa đếm số lượng hộp quà, vừa ghi chép cẩn thận vào trong sổ tay.
“Haiz, tôi đã dặn không cần mà họ vẫn cứ đưa tới, lại còn để luôn vào trong nhà, vậy thì tôi biết làm sao đây.” Ông Quyền hớp ngụm trà rồi trả lời vợ.
“Haiz, thôi thì mình cứ thống kê lại rồi tính sau vậy.”
“Ây cha, quà gì mà nhiều dữ vậy cha má.” Gia Tín về thấy nhà cửa ngổn ngang.
“Chậc, là quà của bạn bè, họ hàng gửi cho Gia Nghi đó.” Bà Yến nói nhanh rồi miệt mài ghi chép để sợ bị nhầm.
“Mèn đét ơi, Gia Nghi mới có 8 tuổi mà đã như vậy. Đến lúc con bé đến tuổi lấy chồng thì sính lễ còn đến cỡ nào nữa đây.”
Gia Tín vừa nhận xét thì đã bị Gia Tuệ đứng phía sau cốc một cái rõ đau khiến cậu kêu la oai oái. Cậu cúi chào cha má rồi tiếp tục giáo huấn em trai.
“Em bớt nói linh tinh lại đi. Gia Nghi còn nhỏ. Huống chi cưới xin là chuyện trọng đại cả đời của con bé.”
“Anh này, em nói đúng mà.”
“À mà Gia Nghi đâu rồi ạ? Chúng con về nãy giờ mà chẳng thấy em đâu.”
Bà Yến cười hiền chỉ tay về phía vườn.
“Em con đang trồng cây ngoài vườn kia kìa. Hôm qua, thầy Thiện cho nó mấy hạt cây, sáng giờ nó cứ loay hoay đào xới chưa chịu vào ăn cơm.”
“Con bé này, chỉ thích nghịch đất thôi chứ trồng trọt gì. Để tụi con ra xem.”
Gia Tuệ và Gia Tín kéo nhau ra ngoài vườn. Dưới tán cây lựu đỏ, có một cô bé trắng trẻo, xinh xắn, tóc búi hai bên, quần áo thì lấm lem nhưng gương mặt tràn ngập niềm vui thích, đôi mắt tròn to long lanh vô cùng đáng yêu.
“Gia Nghi.”
“A, anh Tuệ, anh Tín.”
Gia Nghi nghe tiếng gọi quen thuộc thì bỏ hết đồ trên tay xuống, cô phủi phủi tay vào vạc áo rồi chạy lại hai anh của mình. Gia Tuệ dang tay bế bổng cô lên, xoay xoay vài vòng làm cô cười giòn.
“Em nữa, em nữa, em cũng muốn bế.” Gia Tín bám lên vai Gia Tuệ, làm bộ cà khịa Gia Nghi.
Trong nhà chỉ có Gia Tín là hay trêu em gái nhất, trêu đến mức con bé khóc nấc ấm ức mà cũng chưa chịu buông tha. Gia Nghi biết anh lại trêu mình liền thu tay thành nắm đấm mà đánh vào vai Gia Tín. Bàn tay thì nhỏ xíu, lực đánh chẳng bao nhiêu, khều khều lên người Gia Tín chẳng thấm thía gì.
“Anh Tín còn trêu em nữa em mét cha má không cho anh đi đá banh nữa.”
“Chà, còn bày đặt uy hiếp anh hả? Anh cho mày biết tay.”
Vậy là hai anh em rượt nhau chạy vòng quanh cây lựu. Người la kẻ cười, huyên náo cả một góc vườn. Gia Nghi thì làm sao mà chạy lại anh mình, cô bị Tín bắt được, hai búi tóc trên đầu bị vò đến rối tung rối xù nhưng cô vẫn cười lên khanh khách, tiếng cười hồn nhiên, vô tư làm cho người nghe cũng vui lây.
“Thôi, đừng giỡn nữa. Em vào nhà rửa tay ăn cơm đi. Anh nghe má nói em lại chẳng chịu ăn đúng giờ đúng không?”
Gia Nghi ngưng cười khi nghe Tuệ hỏi, cô biết thế nào anh cũng sẽ giáo huấn một trận. Nghi ôm tay anh nũng nịu giải thích.
“Không phải em bỏ bữa, tại em ăn bánh chè nên còn no. Với lại mấy cái cây phải được dời vào trong mát nếu không nắng quá nó sẽ không chịu được.”
“Em lý sự hơn rồi đó. Thôi vào nhà đi, lát anh gọi thằng Ất dời cây cho em.”
Gia Nghi ngoan ngoãn theo anh vào nhà. Bà Yến đã đợi ở bậc cửa, Nghi thấy mẹ thì chạy ào lại ôm chân ôm tay. Bà Yến dắt con ra sau nhà mà rửa tay chân, rồi bà gọi đứa tớ gái pha nước tắm rửa cho Gia Nghi. Cô được mẹ chăm chút gọn gàng lại ra dáng tiểu thơ. Gia Nghi được thay bộ đồ màu hồng sen, tóc gội ướt nên để xõa dài. Cô ngồi lên bàn ăn, bắt đầu dùng mấy món mình thích.
Bà Yến ngồi bên cạnh lau tóc cho con, Gia Tuệ ngồi trước quạt cho em mát. Cả nhà quây quần cùng nhau chăm sóc cho cô út. Gia Nghi cứ thế mà lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, nhân cách thiện lành càng thêm hoàn mỹ.